ICAFIS- Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm Bền vững - Công bằng tại Việt Nam

Tên dự án: Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm Bền vững - Công bằng tại Việt Nam

Địa điểm dự án: Việt Nam: khu vực ĐBSCL, tập trung chủ yếu vào các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau

Thời gian dự án: 48 tháng, từ 2016 - 2020

Đơn vị tài trợ: Ủy Ban Châu Âu- SWITCH-Asia II

Tổ chức nhận tài trợ: Stichting Oxfam Novib, Hà lan

Đối tác tại Việt nam: Trung Tâm Hợp Tác Quốc Tế Nuôi Trồng Và Khai Thác Thủy Sản Bền Vững (ICAFIS)

 Dự án hướng tới một cách tiếp cận đa bên (bao gồm công chúng, khối kinh tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các đoàn thể xã hội dân sự liên quan) cho sự phát triển của chuỗi giá trị tôm thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững, tăng hiệu quả sản xuất cũng như mở rộng quy mô tiếp cận hiệu quả nguồn tài chính. Dự án thúc đẩy mở rộng quy mô cho các hoạt động của OXFAM với đối tác Việt Nam, ICAFIS, ở cấp quốc gia và quốc tế. Dự án góp phần trực tiếp vào việc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc của chương trình khung 10 năm (10YFP), tập trung vào các chương trình lương thực bền vững, đặc biệt đóng góp vào: sử dụng hiệu quả tài nguyên trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, quản lý chất thải, quản lý vòng đời, chuỗi cung ứng sạch .

 Dự án đặc biệt chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến nguồn đa dạng sinh học và nước. Ngoài ra, dự án cũng làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên (nước, năng lượng và thực phẩm), đảm bảo sinh kế bền vững và cải thiện điều kiện kinh tế của hộ sản xuất/chế biến tôm vừa và nhỏ, đặc biệt là phụ nữ. Đồng thời, thông qua tuân thủ các tiêu chuẩn có trách nhiệm, dự án cải thiện điều kiện lao động và làm việc, đặc biệt là đối với lao động nữ. Dự án sẽ giới thiệu các giải pháp dễ dàng nhân rộng tới các tác nhân và ngành nghề khác. Tôm là một nguồn sinh kế quan trọng cho hơn 1 triệu người ở Việt Nam, trong đó có hơn 80% nông trại tôm là hộ sản xuất quy mô nhỏ. Dự án sẽ tập trung chủ yếu vào 3 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu) - các tỉnh đóng góp đến 93% diện tích sản xuất tôm và 84,4% sản lượng tôm của Việt Nam. Sự phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành tôm tại Việt Nam cũng như có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chính sách ở cấp quốc gia.

 Mục tiêu tổng thể của Dự án này là: Đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thông qua việc cải thiện các tác động xã hội và môi trường của sản xuất và chế biến tôm.

 Điều này sẽ được thực hiện thông qua sự kết hợp hài hòa giữa hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực, đào tạo / tập huấn về quản lý kinh doanh, vận động và thúc đẩy thực thi chính sách, nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng đàm phán, đánh giá tác động của vòng đời sản phẩm và thực hành tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững. Bốn mục tiêu cụ thể của dự án này được liên kết với nhau chặt chẽ và hướng tới một kết quả bền vững với ưu tiên lợi ích cho người sản xuất/chế biến tôm quy mô nhỏ, cộng đồng xung quanh và người tiêu dùng. Dự án này sẽ dẫn đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các chuỗi cung ứng và thực hành sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội - môi trường và giảm phát thải. Dự án hoàn toàn phù hợp với Ưu tiên số 2: "Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ hướng tới SCP và tiếp cận tài chính".

 Mục tiêu cụ thể 1: Tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) về Đánh giá tác động xã hội có sự tham gia (p-SIA) và Đánh giá tác động môi trường đa dạng sinh học (B-EIA) ) sẽ được thông qua bởi các nhà sản xuất nuôi trồng tôm và các tiêu chuẩn CSR tương ứng sẽ được thực hành bởi các nhà chế biến tôm, nhằm giảm thiểu tác động xã hội và môi trường của nuôi trồng/kinh doanh thủy sản.

 Dự án nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững. Điều này sẽ được minh chứng thông qua việc tôn trọng những chỉ tiêu cơ bản của các bộ tiêu chuẩn của toàn bộ các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm. Việc thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn và thiếu kiến thức thực tế / kinh nghiệm là những rào cản lớn trong phát triển bền vững ngành nuôi trồng tôm tại Việt Nam. Trước thực trạng nhu cầu tại thị trường EU ngày càng tăng và với ưu đãi thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, việc tuân thủ các tiêu chuẩn sinh thái sẽ là chìa khóa để đảm bảo tăng thị phần ở EU. Dự án nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết cho các tác nhân trong chuỗi giá trị và đưa ra hướng dẫn để đáp ứng các tiêu chuẩn. Dự án sẽ làm trung gian hợp tác giữa các nhóm đối tượng hưởng lợi và cơ quan chứng nhận.

 Mục tiêu cụ thể 2: Người sản xuất / chế biến tôm quy mô nhỏ của Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả nguồn tài chính và cải thiện hiệu quả sản xuất.

 Kinh nghiệm cho thấy rằng các nhà sản xuất/chế biến thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết. Tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng và các chương trình tín dụng của Chính phủ để phát triển chuỗi giá trị là một giải pháp tốt, tuy vậy, các khoản vay này đi kèm với nhiều yêu cầu mà các nhà sản xuất / chế biến không đáp ứng được hoặc không hiểu biết đầy đủ. Vấn đề này sẽ được giải quyết từ ba cấp độ. Thứ nhất: Dự án sẽ tác động đến các chính sách tín dụng của Chính phủ nhằm phát triển mô hình liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp (bao gồm các tiêu chí cho vay), chi tiết theo Mục tiêu cụ thể 4 / Kết quả 5. Thứ hai, dự án sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất và chế biến chuẩn bị hồ sơ vay vốn (Kết quả 3) bằng cách giúp họ phát triển mô hình kinh doanh có trách nhiệm. Thứ ba, dự án sẽ xác định và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo để đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho phát triển nuôi tôm dài hạn (bao gồm cả các quỹ tín thác và tài chính ESCO). Sử dụng hiệu quả các nguồn lực quan trọng để giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất và rủi ro. Việc áp dụng các thói quen và hành vi quản lý thích hợp (quản lý cho ăn, ý thức tiết kiệm năng lượng của nhân viên, các công nghệ thân thiện môi trường phù hợp để cải thiện hệ thống máy bơm và hệ thống cung cấp oxy hòa tan) sẽ giúp các nhà sản xuất tôm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm tiêu thụ năng lượng (Kết quả 2). Dự án sẽ nâng cao kiến thức về đánh giá tác động vòng đời sản phẩm (LCA). Cùng lúc, những cải tiến này sẽ làm giảm chi phí sản xuất và giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, và như vậy làm tăng tính hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ đối với các nhà đầu tư tiềm năng.

 Mục tiêu cụ thể 3: Người sản xuất tôm quy mô nhỏ được trao quyền để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đàm phán với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.

 Người sản xuất tôm quy mô nhỏ không được gắn kết với nhau một cách hiệu quả để nâng cao vị thế đàm phán của họ trên thị trường và với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Phương thức đàm phán cá nhân hiện nay khiến họ trở thành tác nhân yếu thế nhất trong chuỗi giá trị. Dự án sẽ giúp liên kết các nhà sản xuất quy mô nhỏ để họ có thể làm việc cùng nhau, phát triển chuỗi giá trị bền vững và đạt được những điều kiện thuận lợi hơn. Điều này bao gồm các lựa chọn khác nhau như hợp đồng liên kết sản xuất, hợp đồng thu mua, các điều khoản bổ sung, thỏa thuận gải quyết các bất đồng về chất lượng hàng hóa, chi phí giao hàng, chia sẻ rủi ro … Tổ nhóm hợp tác được tổ chức tốt sẽ có lợi cho các nhà sản xuất tôm quy mô nhỏ trong việc chia sẻ kiến ​​thức về sản xuất bền vững và nâng cao tiếng nói tập thể để tác động hiệu quả tới các chính sách của chính phủ. Trên thị trường, người thu gom và thương lái (người đứng giữa trong chuỗi giá trị) đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các nhà sản xuất lại với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom mua tôm nguyên liệu số lượng lớn của các nhà chế biến cũng như liên kết các nhà sản xuất với nhà chế biến. Vì nhà thu gom là người đem đến các cơ hội tiếp cận thị trường, nên dự án sẽ huy động sự tham gia của người thu gom tại các đối thoại thương lượng tập thể. Việc trao quyền cho các người sản xuất tôm quy mô nhỏ cũng mang lại lợi ích cho các nhà chế biến tôm, giúp họ có sản phẩm chất lượng, an toàn, nguồn gốc rõ ràng cùng một kế hoạch tổ chức hiệu quả hơn.

 Mục tiêu cụ thể 4: Chính sách tín dụng của Chính phủ hướng tới người sản xuất tôm và thủy sản sẽ quảng bá chương trình thúc đẩy Sản xuất và tiêu dùng bền vững và được thiết kế một cách hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển của chuỗi giá trị tôm.

 Chính phủ Việt Nam đã có một số chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản, tuy vậy, việc thực hiện không hiệu quả do sự tham gia và tham vấn không đầy đủ với các bên liên quan (bao gồm cả người  sản xuất và chế biến) trong giai đoạn thiết kế. Đây là một thách thức quan trọng vì các tiêu chí trong các chính sách sẽ xác định xem các chính sách đó có đang tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hay không. Việc lồng ghép các kinh nghiệm thực tiễn vào các cuộc đối thoại là rất quan trọng để đảm bảo rằng người sản xuất / chế biến với các mô hình sản xuất xanh và có trách nhiệm sẽ có thể tiếp cận được với các nguồn tín dụng. Dự án nhằm mục đích hỗ trợ cụ thể về kỹ thuật cần thiết để tiếp cận với nguồn tín dụng chính phủ cho Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Mục tiêu cụ thể 4 / Kết quả 5) và giúp người vay phát triển các mô hình kinh doanh sát thực và thành công, phù hợp với yêu cầu của chính sách tín dụng (Mục tiêu cụ thể 2 / Kết quả 3). Điều này cũng có lợi cho những người thực hiện các chương trình tín dụng khi họ cũng cần các mô hình kinh doanh thành công và có trách nhiệm để phát huy nhiệm vụ và vai trò của mình.

Thông tin thêm về dự án, vui lòng liên hệ: ông Đinh Xuân Lập - Điều phối dự án. 

Email: lap.dinhxuan@icafis.vn hoặc info@icafis.vn

Điện thoại: 0234.7245121

 

Share: 

Tin tức khác