ICAFIS: DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI NUÔI TÔM CẦN XÍCH LẠI GẦN NHAU HƠN

Tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam (chiếm 44,4% năm 2015). Sản phẩm tôm được xuất khẩu đi khoảng 164 quốc gia trên thế giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 700.000 hộ gia đình tham gia ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Ngành tôm đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như:  i) Đối mặt với nhiều dịch bệnh (EMS, vi bào tử trùng…); ii) Sự ô nhiễm môi trường do phát triển quá nhanh; iii) Khoảng cách giữa công nghệ nuôi tôm và sự thay đổi môi trường, dịch bệnh; iv) Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; v) Các rào cản thương mại và hệ thống chứng nhận dày đặc…Thách thức là vậy nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm.

Nuôi tôm còn nhiều rủi ro!

Trong hơn mười năm trở lại đây, nghề nuôi tôm tại Việt Nam phát triển rất ấn tượng với mức tăng trưởng bình quân tốt 6,8%/năm. Tuy nhiên nghề nuôi tôm còn tồn tại rất nhiều rủi ro như:

- Giá bán giảm nhanh và biến động bất thường, có thời điểm trong năm 2015 giá tôm tại Sóc Trăng giảm mạnh (tôm thẻ loại 100 con/kg giá chỉ có 80.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg giá chỉ 140.000 đồng/kg…) khiến nông dân “thua kép”. Ước tính có khoảng 80% - 90% hộ nuôi từ hòa đến lỗ trong năm 2015 và đầu năm 2016.

- Chi phí sản xuất tôm ở Việt Nam cao hơn so với Thái Lan khoảng 12-15%, với Ấn độ khoảng 15-20% tuỳ thời điểm.

- Chi phí vật tư đầu vào trong nuôi tôm còn cao, đặc biệt là giá thức ăn chiếm tới 60% chi phí đầu tư.

- Rủi ro trong dịch bệnh là thách thức lớn nhất với người nuôi tôm.  Năm 2014 cả nước bị dịch bệnh làm thiệt hại gần 60.000ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan, hay còn gọi là bệnh EMS (hội chứng tôm chết sớm). Sang năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 chúng ta tiếp tục đối mặt với bệnh bào tử trùng (tôm chậm lớn).

- Tôm giống kém chất lượng, kết quả nghiên cứu của ICAFIS trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cho thấy phần lớn người dân nuôi tôm quy mô nhỏ mua giống ở những cơ sở không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch.

- Biến đối khí hậu diễn ra nhanh hơn gây tác động không nhỏ tới ngành tôm. Tại Sóc Trăng những tháng đầu năm 2016 xâm nhập mặn đã lấn sâu vào trong đất liền, đô mặn tăng cao (tới 22 ‰) khiến nhiều hộ dân không dám thả tôm và để ao trống.

Thị trường xuất khẩu chưa thực sự ổn định.

Mặc dù ngành tôm Việt Nam được đánh giá là có mức tăng trưởng tôm tăng 6,8%/năm và ghi nhận xuất khẩu đi khoảng 164 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên theo dõi diễn biến thị trường trong những gần đây thì sự biến động diễn ra rất mạnh. Năm 2013 và 2014 được đánh giá là sự tăng mạnh của ngành tôm, giá trị xuất khẩu tăng từ 2.107 triệu USD vào năm 2010 đã tăng vọt lên 3.953 triệu USD năm 2014. Tuy nhiên sang năm 2015, xuất khẩu tôm không chỉ  giảm 1.023 triệu USD mà thị trường còn bị thu hẹp tới hơn 1/3 (tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường, giảm so với 150 thị trường của năm 2014). Các thị trường chính đồng loạt giảm mạnh: Mỹ, giảm 35,4%, EU giảm18%, Nhật Bản giảm 22,8%, Trung Quốc giảm 17%…) (nguồn: VASEP)

Nguồn: Tổng cục Hải quan và VASEP năm 2015

Giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn còn khoảng trống lớn.

Qua ra soát của ICAFIS thì hầu hết các nghiên cứu về chuỗi giá trị tôm trong khoảng 10 năm trở lại đây đều chỉ ra rằng “các liên kết chuỗi còn lỏng lẻo”. 

Nghiên cứu mới đây của ICAFIS, OXFAM, SCAP trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng – GRAISEA” trong năm 2015 cho thấy 72% nguồn vốn của doanh nghiệp dùng để mua tôm nguyên liệu, trong đó 79.8% nguyên liệu của công ty phải mua từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và thương lái địa phương. Tuy nhiên việc xây dựng, duy trì các liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu chỉ chiếm 14.3% số doanh nghiêp và rất lỏng lẻo, gần như không có các liên kết chính thức nào, việc chia sẻ thông tin thiếu minh bạch giữa các tác nhân.

Liên kết chuỗi tôm để cùng hội nhập.

Hiện nay, phát triển nông nghiệp bền vững thông qua các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trở thành xu thế tất yếu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Cụ thể như: Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông-lâm-thủy sản hướng đến xuất khẩu; Quyết định số 1050/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP.

Bối cảnh quốc tế về TPP, FTA, Farm Bill, kinh doanh toàn diện (inclusive business)… đều đưa ra các nội dung về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi và việc tạo điều kiện để người sản xuất quy mô nhỏ được tham gia vào chuỗi một cách công bằng nhất.

Các tiêu chuẩn quốc tế BAP, ASC, Fair Trade, IFFO…cũng đều xây dựng các nội dung thúc đẩy thực hành và quản trị theo chuỗi (quản trị chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn nhóm, cho điểm qua các khâu thực hành…).

Ông  Tưởng Phi Lai – Cố vấn ICAFIS chia sẻ: Ngành tôm là ngành có lợi nhuận cao, nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức. Theo kinh nghiệm của ICAFIS để giải quyết những rủi ro, thách thức đó rất cần xây dựng một mô hình “chuỗi liên kết” mà ở đó “Doanh nghiệp là hạt nhân thúc đẩy chuỗi” và “hộ dân nuôi tôm là cái đích (tác nhân cần hỗ trợ) hướng tới” duy trì được cơ chế “chia sẻ lợi ích công bằng trong chuỗi” thì mới đảm bảo được “sự bền vững của chuỗi”. Mà muốn làm được vậy thì trước hết “doanh nghiệp và người nuôi tôm cần phải xích lại gần nhau hơn”.

ICAFIS

 

 

Share: 

Tin tức khác