ICAFIS - CSR Khó ban đầu, lợi về sau

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội. Trong lúc có người toan tính thiệt hơn của hoạt động này thì có những doanh nghiệp nhận ra rằng thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) là điều hết sức cần thiết.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản Việt Nam” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ mới đây, bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc điều hành Công ty JIA HSIN, cho biết ban đầu doanh nghiệp của bà không triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội do không trả lời được những câu hỏi thực tiễn. Chẳng hạn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng không, lợi nhuận có tăng lên hay không, hay thực hiện hoạt động này tốn bao nhiêu tiền?

Tuy nhiên, cho đến khi những lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị khách hàng trả về với lý do “dính” chất cấm và phải tốn rất nhiều chi phí để xử lý cũng như phải đối mặt với nhiều đợt thanh tra nhà máy từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp của bà đã thay đổi nhận thức về thực hiện trách nhiệm xã hội.

Theo bà Ái, thực hiện trách nhiệm xã hội là tuân thủ những điều căn bản nhất về mặt pháp lý, bao gồm về luật lao động, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động… “Khi làm được như vậy, tôi nghĩ chúng ta đã đạt được 80% trách nhiệm xã hội rồi. 20% còn lại là thực hiện ở mức cao hơn nhằm phục vụ tốt hơn cho xã hội, cho cộng đồng và nhằm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu”, bà Ái phát biểu.

Khi thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, theo bà Ái, sẽ giúp doanh nghiệp ổn định để tập trung vào sản xuất kinh doanh, thay vì tìm cách ứng phó những đợt đánh giá của khách hàng hay những đợt thanh tra, kiểm tra từ cơ quan quản lý. Đó là lợi ích đầu tiên. Và khi doanh nghiệp làm được những điều đó, người lao động sẽ tập trung làm việc có năng suất cao hơn, ở lâu dài với doanh nghiệp hơn và khách hàng nhìn nhận doanh nghiệp tốt hơn. “Lợi ích sẽ đến, uy tín của doanh nghiệp cao hơn, khả năng cạnh tranh sẽ được nâng lên”, bà Ái nhận xét.

Ông Trần Hoàng Thông, Giám đốc châu Á của Công ty Mascato, cũng cùng quan điểm, cho rằng doanh nghiệp phải tạo ra được một môi trường làm việc như thế nào để người công nhân cảm thấy thỏa mãn. Họ phải hài lòng với điều kiện vật chất và tinh thần, cũng như những điều kiện liên quan đến môi trường xung quanh nơi làm việc.

Ông Thông cho biết xu hướng nhập khẩu và tiêu dùng ở nhiều nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm có chứng nhận trách nhiệm xã hội. Cụ thể, sau thị trường Đức và Canada, gần đây thị trường Tây Ban Nha, Chile cũng quan tâm đến sản phẩm được chứng nhận trách nhiệm xã hội. “Đây là công cụ rất tốt để doanh nghiệp quảng bá, làm tiếp thị”, ông Thông cho biết.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam thuộc Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết hiện chưa có số liệu nghiên cứu hay đánh giá cụ thể về nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm đạt chứng nhận trách nhiệm xã hội.

Nhưng một số doanh nghiệp cho biết, thực tế cho thấy sản phẩm đạt chứng nhận trách nhiệm xã hội sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với sản phẩm không được chứng nhận, bởi xu hướng thị trường ngày càng quan tâm nhiều hơn đến loại sản phẩm này.

Theo: http://www.sgtiepthi.vn

ICAFIS - Corporate social responsibility in fisheries (CSR)

 

Share: 

Tin tức khác