HTX Dịch vụ NTTS 30/4: Liên kết chuỗi tăng hiệu quả nuôi tôm

(Thủy sản Việt Nam) - Nhờ hiệu quả tăng khi tham gia Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng (SUSV) do Liên minh châu Âu, tổ chức Oxfam với Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS) và địa phương triển khai; HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4 (Bạc Liêu) đang ngày một phát triển, đời sống hội viên ngày càng khấm khá hơn.

 


Thoát nghèo nhờ tôm

Ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ NTTS 30/4 kể, tiền thân của HTX 30/4 là Tổ hợp tác 30/4, thành lập năm 2012, có 14 thành viên đều là dân di cư từ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào. Về sau, số thành viên tăng lên 18 người. “Dân di cư hồi nào nghèo lắm nhưng nay, thành viên của HTX không còn có ai là hộ nghèo”, giọng ông Ngọc đầy niềm tự hào. Theo lời ông, tuy mới thành lập nhưng nghe phố biến về Dự án SUSV, được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm rừng, tôm sạch và nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC nên các thành viên đều hào hứng tham gia.

Nói về lợi ích khi tham gia dự án SUSV, anh Thái Xứ Cơ là thành viên HĐQT HTX 30/4 phấn khởi tiếp lời: “Các thành viên được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sạch và tìm hiểu sâu các kiến thức về nuôi trồng thủy sản bền vững. Nhất là được tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, nên tỷ lệ nuôi tôm thành công luôn đạt cao. Đặc biệt là vai trò chủ đạo của ICAFIS trong việc tạo liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm sạch để nâng tầm tôm Việt”.

Dẫn chứng về hiệu quả, anh Cơ đọc con số lợi nhuận của từng mô hình nuôi. Đối với nuôi thâm canh, bán thâm canh tôm sú, thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha/năm (chỉ nuôi 1 vụ/năm), còn tôm thẻ chân trắng là 600 triệu đồng/ha/năm (có thể nuôi 2 - 3 vụ/năm); nuôi quảng canh 50 - 70 triệu đồng/ha/năm (chỉ nuôi 1 vụ/năm)…

Tuy nhiên, ông Ngọc và anh Cơ cũng cho biết, mọi việc không phải từ đầu đã suôn sẻ. Bởi vì vùng đất khi các ông vô đây từ năm 1978, hoang vu và rất nghèo. Tiếp đó, người dân mày mò nuôi tôm, khi trúng khi thất và càng về sau càng thất bại nhiều, do môi trường bị ô nhiễm mà kỹ thuật người dân lại không cao. Mối liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ở đầu ra trục trặc nhiều hơn thông suốt, mà bất lợi thường được đẩy cho người nuôi.

Anh Cơ nhớ lại: “Khi Dự án giới thiệu làm quen để đi đến liên kết với doanh nghiệp, các thành viên của Tổ hợp tác vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy mình được quan tâm, tạo điều kiện cho làm ăn liên kết theo chuỗi là nỗi khát khao sâu xa, còn lo vì không biết phải làm ăn với họ ra sao đây? Vì vậy mà ban đầu, Tổ hợp tác chưa dám ký kết ngay mà cùng nhau thảo luận rất nhiều lần, tranh luận về các điều khoản trong liên kết đầu vào lẫn đầu ra. Vừa làm vừa học, thảo luận vì mục tiêu chung, khi đạt được sự nhất trí cao thì mới dám ký hợp đồng”.

Kết quả rõ và kịp thời nhất là các thành viên được trang bị kiến thức nuôi tôm đáp ứng nhu cầu thị trường. Không chỉ nắm chắc kỹ thuật nuôi mà còn nuôi theo quy trình để ra được con tôm theo đặt hàng của doanh nghiệp, cũng là đặt hàng của thị trường để được tiêu thụ thuận lợi. Nhờ dự án trang bị tốt kiến thức nghề nuôi theo chuỗi nên mấy năm gần đây, dù ảnh hưởng biến đổi khí hậu và dịch bệnh bùng phát, các thành viên HTX 30/4 vẫn giữ được sự thành công. Ông Nguyễn Văn Đông, thành viên HTX 30/4, chia sẻ: “Nếu so với ngày đầu mới thành lập Tổ hợp tác vào năm 2012 thì hiện nay, đời sống của các thành viên khấm khá hơn nhiều, thu nhập tăng qua mỗi năm, ai cũng cất được nhà cao, cửa rộng, có vốn đế tái đầu tư sản xuất”. 

Kết quả ngày một tăng, nên tháng 4/2017, được sự hỗ trợ của dự án SUSV và ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, Tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX 30/4. Lúc này, số thành viên của HTX là 15 người; trong đó có đến 10 thành viên là nữ, với tổng diện tích đất nuôi tôm 60 ha. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Ngọc cười hóm hỉnh: “Mấy chị em hoạt động hăng lắm nên chất lượng mới được tốt như hiện nay”.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật từ Dự án SUSV nên ao TTCT của anh Cơ vẫn phát triển tốt   Ảnh: X.T

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật từ Dự án SUSV nên ao TTCT của anh Cơ vẫn phát triển tốt Ảnh: X.T 

Để chuỗi liên kết có hiệu quả

Ở vụ nuôi này, HTX Dịch vụ NTTS 30/4 có 21 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh. Ông Ngọc cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, nuôi thâm canh và bán thâm canh đã thu hoạch 40 tấn tôm thương phẩm và cũng vừa thả giống đợt 2. Riêng diện tích nuôi quảng canh mới thu hoạch khoảng 10%, còn lại sắp tới ngày thu hoạch, dấu hiệu tốt”.

Các thành viên HTX 30/4 cũng thẳng thắn, việc liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Ông Ngọc nói: “Dù hai bên đã tìm hiểu rất kỹ và thảo luận chu đáo nhưng trong quá trình thực hiện còn chịu tác động từ thị trường nên vẫn trục trặc. Một số điều khoản cam kết hợp đồng chưa được thực hiện, do ai cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình mà chưa thật sự chia sẻ lợi ích vì chuỗi. Tuy nhiên, đây là hướng đi tốt và chúng tôi vững tin vào tương lại, các trục trặc sẽ được không ngừng bàn bạc tháo gỡ để xây dựng chuỗi ngày càng bền vững”.

Ban lãnh đạo HTX 30/4 cho biết, hiện nay HTX tập trung hoạt động hướng đến sự thống nhất trong cung ứng đầu vào lẫn tiêu thụ sản phẩm. Mục đích đảm bảo cho các thành viên mua được sản phẩm chất lượng, giá thành hạ và tôm nuôi chất lượng đồng đều, bán giá ổn định hơn. Theo đó, HTX 30/4 đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ có hiệu quả cho các thành viên như: thương thảo với đối tác cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy, HTX 30/4 đang nỗ lực đưa mối liên kết chuỗi đi vào thực chất, tạo thêm lợi nhuận và niềm tin cho các thành viên. Từ khi tham gia Dự án SUSV, các thành viên đã thực hiện được quy trình nuôi tôm sạch, đạt tiêu chuẩn ASC, không còn sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh, vấn đề hiện nay là cho ra được những lứa tôm đồng đều. Để thực hiện liên kết chuỗi bền vững, HTX 30/4 cũng mong chính sách tín dụng thông thoáng hơn theo hợp đồng chuỗi giá trị, tạo cơ hội cho cả HTX lẫn doanh nghiệp liên kết tiếp cận nguồn vốn không khó khăn như trước nay.

>> Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4 Đặng Văn Ngọc giọng vui vẻ: “Nhà báo cứ đi qua trụ sở xã một chút, thấy căn nhà mái Thái to đẹp là nhà của tôi”. Đúng là nhà ông Ngọc nổi bật giữa vùng quê nuôi tôm ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu) thật. 

 Theo Xuân Trường, Thuỷ sản Việt Nam

Share: 

Tin tức khác