GRAISEA Sóc Trăng: GIỚI câu chuyện THỦA BAN ĐẦU

Gần hai năm, có lẽ không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng có biết bao nhiêu kỷ niệm và thành quả đáng nhớ.

Tôi đã làm việc với các bác từ rất lâu, tôi đến với các bác trong câu chuyện “hành động giới mới chỉ gần hai năm” trong khuân khổ dự án Tăng cường Bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng- GRAISEA”. Đồng hành với đoàn thăm quan dự án OXFAM, được chứng kiến, được nghe những câu chuyện THAY ĐỔI GIỚI tôi lại bồi hồi nhớ lại “Thủa ban đầu”.

Thành viên đội hành động giới ICAFIS tập, huấn, chia sẻ cùng bà con

  • Thủa ban đầu:

Thủa ban đầu của một tình yêu bao giờ cũng là câu chuyện đẹp, nhưng thủa ban đầu với giới là cả một vất vả khó khăn, nhưng để rồi “chúng tôi yêu nhau hơn”

Thủa ban đầu khi đi triển khai tập huấn về giới, mọi người đều “ngao ngán” i) vì nó tốn thời gian không phù hợp với nghề tôm phải cho tôm ăn cả ngày, ngồi học lâu thấy nóng ruột; ii) vì buồn tẻ chỉ vẽ vẽ, vời vời khó hiểu; iii) vì nó trẻ con làm sao; iv) và vì chẳng biết để làm gì ? kết quả tới đâu.

Thủa ban đầu họ nể tôi mà ngồi lại dự, nhưng sau đó trong xóm, trong ấp là những lời bàn tán về những câu chuyện tập huấn không đâu, chẳng mang lại ích lợi gì. Có những người chỉ ngồi 20 phút và sau đó không xuất hiện mãi mãi đến bây giờ, nhưng có những người gọi điện cho tôi xin không tham gia dự án nữa thì bây giờ lại là người tích cực nhất, tạo ra những thay đổi tích cực nhất trong cộng đồng.

Thủa ban đầu có thời điểm tôi phải đứng dậy tranh cãi “công cụ giới của các chị không phải cây đũa thần có thể thay đổi, thế này, thế kia trong một thời gian ngắn được” và tôi trong im lặng cùng các thành viên ICAFIS, đội “Hành động giới” “làm và chỉ làm” TỪ ĐÓ.

  • Đội hành động giới:

Đội hành động giới được lựa chọn và thành lập trong khuân khổ dự án Tăng cường Bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng- GRAISEA”. Họ là những người có tâm huyết, có uy tín và năng nổ trong các hoạt động cộng đồng.

Đội hành động giới được đào tạo và lựa chon trong quá trình triển khai tập huấn TOT GALS và triển khai thực địa tại cộng đồng. Với “nhiệt huyết” của mình họ đã quyết tâm “thay đổi” trong gia đình của mình trước và sau đó truyền cảm hứng, lan tỏa trong cộng đồng. Nhưng việc đó lại “không hề đơn giản” bởi i) quan niệm giới đã đi sâu, ăn mòn trong suy nghĩ của nhiều người; ii) với những quan niệm tín ngưỡng, trong nuôi tôm thường rất kiêng kị phụ nữ, iii) GALS phải có cả vợ và chồng thì mới phát huy được hiệu quả, iv) nuôi tôm bận rộn cả ngày nên không có mấy khi thời gian rảnh.

Nỗ lực tạo ra sự thay đổi: Dù nhiều khó khăn những đội hành động giới vẫn không nản, các thành viên vẫn tự truyền cảm hứng cho nhau tham gia đầy đủ các buổi triển khai thực địa, tập huấn của dự án và đi chia sẻ từng nhà là thành viên của các THT/HTX. Các chủ đề tập huấn cũng được nhóm bàn luận thay đổi, từ những câu chuyện giới được coi là “BUỒN TẺ” thành những câu chuyện “KỸ THUẬT” trong nuôi tôm và giới cũng dần trở lên “HẤP DẪN” từ đó.

Khi các câu chuyện giới đã “HẤP DẪN” với bà con, các khóa tập huấn được đội tổ chức nhiều hơn, mật độ dày hơn, các hoạt động chia sẻ tại cộng đồng cũng nhiều hơn i) trong câu chuyện vui của gia đình; ii) trong câu chuyện bàn về kỹ thuật nuôi tôm của thành viên; iii) trong các cuộc họp cộng đồng; iv) lồng ghép trong P-SIA/GALS; v) và trong xây dựng kế hoạch sinh kế cộng đồng…và giới bắt đầu tạo ra “SỰ THAY ĐỔI”.

  • Sự thay đổi

Sự thay đổi ban đầu chỉ là việc chia sẻ công việc giữa vợ và chồng, sau đó nó được nâng lên ở mức cao hơn “thay đổi về quan niệm giới” i) nhiều hộ gia đình đã có nữ giới tham gia trong nuôi tôm; ii) cho phép người nữ ra ao tôm thời điểm thả tôm; iii) nữ giới chủ động học đi xe máy để có điều kiện tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và chia sẻ cộng đồng; iv) nam giới thấy việc đi nhậu là vô bổ, chia sẻ việc nhà là nghĩa vợ - tình chồng.

Vợ chồng anh Bắp + chị Phượng  HTX 14/10 Mỹ Xuyên, Sóc Trăng và câu chuyện thay đổi

Sự thay đổi tạo ra được ở cả những con người cố hữu nhất, ông Ngô Công Luận – giám đốc HTX Nông Ngư 14/10, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng chia sẻ “ban đầu tôi không nghĩ anh Bắp sẽ thay đổi vì tính Bắp rất gia trưởng và bảo thủ. Nhưng bây giờ Bắp lại là thành viên tích cực nhất, có những thay đổi nhiều nhất, tham gia giới là cả vợ chồng và con”.

Chị Phượng vợ anh Bắp chia sẻ: Ban đầu mình cũng thấy ngại vì cũng có tuổi rồi nên chẳng biết vẽ sao. Nhưng càng tham gia càng thấy vui vì vợ chồng có cơ hội được học và chia sẻ cùng nhau. Có lẽ từ những điều học được từ khóa tập huấn mà anh đã có những chia sẻ việc nhà với mình như quét nhà, cắt cỏ, cho bò ăn, còn mình cũng “xông xáo” chia sẻ cùng anh trong công việc nuôi tôm, làm rồi cũng vỡ ra được nhiều thứ. Bữa nay mình đã biết cách cho tôm ăn và biết khi nào cần bật quạt nước, khi anh có công chuyện mình có thể “tiếp” anh được. Vụ thả tôm vừa rồi, tuy là anh quyết hết những cũng có hỏi ý mình xem như vậy có được không ? Mình thì chưa hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi tôm, nhưng đi học nghe mấy anh trong Hợp tác xã trao đổi thì có biết được chút ít nên mình bảo anh “được”. Vậy là hai vợ chồng nhất chí thả “vụ tôm – vụ lúa”, năm nay thời tiết biến đổi nên nuôi tôm thất lắm, nhà mình thì lại ổn vậy nên cả hai vợ chồng đều thấy rất vui.

Anh Mai Văn Hồng - giám đốc HTX Hòa Đê, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng và câu chuyện thay đổi của HTX

Sự thay đổi còn được tạo ra trong cả cộng đồng, tạo ra trong những điều TƯỞNG CHỪNG KHÔNG THỂ. Đã từ lâu ban chủ nhiệm các HTX/THT gần như 100% là nam giới, người dân quan niệm đây là chuyện lớn, chuyện sản xuất thì vai trò của nam phải là chính và mới ra được quyết sách tốt cho cộng đồng. Thông qua học hỏi và hành động về giới một số HTX tại Sóc Trăng (HTX Thành Đạt, HTX Hòa Đê) nhận thấy vai trò của nữ rất quan trọng, nữ giới có thể làm nên sự cân bằng, tránh những quyết sách nóng vội của nam, nữ giới quản lý và điều hành nguồn vốn tốt hơn nam giới nên đã chủ động thay đổi CƠ CẤU HTX bổ sung thêm nữ vào Ban điều hành/quản trị Hợp tác xã (HTX).

Chứng kiến những thay đổi của cộng đồng, của người dân tôi cảm thấy rất vui, vui vì thấy mình có “một chút giá trị” tạo nên cho đời “một chút giá trị”. Chị Thi – Chuyên gia truyền thông của OXFAM hỏi tôi “vai trò của ICAFIS trong dự án là ?”  tôi bồi hồi chẳng biết trả lời sao, và chỉ cười d('-')b. Nếu có ai bảo tôi chia sẻ kinh nghiệm, tôi sẽ chia sẻ rất ngắn thôi “làm với cái tâm sẽ tạo ra sự thay đổi” và “sử dụng công cụ tốt sẽ tạo ra sự chuyển đổi. Chúc cho đội hành động giới ICAFIS truyền thêm được cảm hứng, lan tỏa được niềm vui, chúc cho bà con nuôi tôm những vụ mùa thắng lợi!

Xuân Lập and ICAFIS team

Share: 

Tin tức khác