EVFTA - Cơ hội và Thách thức cho ngành Tôm Việt Nam

Ngày 29/8/2019, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Oxfam Việt Nam và Bureau Veritas Việt Nam tổ chức Hội nghị “Cơ hội và Thách thức cho ngành Tôm Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu”

EVFTA - Cơ hội và Thách thức cho ngành Tôm Việt Nam

EVFTA - Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã được ký kết ngày 30/6/2019, đánh dấu mốc lịch sử cho quan hệ thương mại Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Hiệp định EVFTA được đánh giá là cú hích lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường này. Song song với đó, ngành Nông nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi thâm nhập vào thị trường được đánh giá là khó tính trên thế giới.

Đối với mặt hàng tôm, EVFTA được mong đợi sẽ tạo nhiều cơ hội cho con Tôm của Việt Nam tiến sâu vào thị trường EU – vốn là thị trường trọng điểm của mặt hàng tôm Việt Nam. Bên cạnh việc thuế suất của tôm Việt Nam xuất sang thị trường EU có thể giảm xuống còn 0% mang lại những cơ hội lớn, thì vẫn còn có những rào cản kỹ thuật. Yêu cầu tôm Việt Nam phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cao và hết sức khắt khe; Đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải nâng cao năng lực tiếp cận thị trường để cạnh tranh được với các đối thủ như Thái Lan, Ecuador…

Cơ hội và Thách thức cho ngành Tôm Việt Nam 

Hàng năm, ngành Thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Việt Nam (GDP). Trong đó, tôm là một trong bốn mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành tôm Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD trước năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra cho ngành hàng Tôm; Đồng thời, giúp các bên tham gia vào chuỗi giá trị tôm Việt Nam kịp thời nắm bắt những cơ hội mà EVFTA mang lại, cũng như chuẩn bị tâm thế đối diện và giải quyết những thách thức, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Oxfam Việt Nam và Bureau Veritas Việt Nam tổ chức Hội nghị “Cơ hội và Thách thức cho ngành Tôm Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu”.

 

 Chiều ngày 29/8/2019, bên cạnh các sự kiện của Hội chợ - Triển lãm Vietfish 2019, Hội nghị với Chuyên đề “EVFTA - Cơ hội và Thách thức cho ngành Tôm Việt Nam” đã được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin nhằm nắm bắt cơ hội, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức, tăng cường tính cạnh tranh cho ngành Tôm Việt Nam khi tham gia EVFTA. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của ngành Tôm Việt Nam hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trước năm 2025.  

Đến tham dự hội nghị có các đại biểu của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Ban Quản lý Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam”, ICAFIS, Oxfam Việt Nam, Bureau Veritas Việt Nam và các đại diện của Nhà máy chế biến/xuất khẩu tôm Việt Nam, đại diện nhà nhập khẩu châu Âu.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã phân tích các cơ hội và thách thức, lợi thế và khó khăn đối với ngành hàng Tôm Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA.

Về cơ hội, EU hiện là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đối với mặt hàng tôm, đại diện Cục Xuất Khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đang chiếm 17% thị phần xuất khẩu tôm sang EU. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đã mang lại cơ hội giảm thuế, giúp Việt Nam tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường EU và thị trường xuất khẩu nói chung. Bên cạnh đó, EU vốn là thị trường ưa chuộng các mặt hàng nông sản Đông Nam Á, nhất là các mặt hàng thủy sản, trái cây, lúa gạo... Chính vì vậy, với Hiệp định EVFTA, nông thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn. Cụ thể là, việc ưu đãi thuế suất sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU, đồng thời giúp ngành Nông nghiệp Việt Nam tăng dần tính chuyên nghiệp khi tiến hành xuất khẩu vào thị trường được đánh giá là khó tính trên thế giới.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế nêu trên, ngành Thủy sản Việt Nam cũng như ngành Tôm nói riêng đang gặp phải thách thức lớn. Trước tiên là thách thức về cạnh tranh: Sản phẩm tôm của các nước trong khối FTA sẽ tràn vào thị trường Việt Nam vì được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, tại thị trường EU, mặc dù đã được giảm thuế, song thủy sản Việt Nam chưa thể vào thị trường EU ngay được, do các hàng rào phi thuế quan như: Tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm; Vấn đề truy xuất nguồn gốc... Để xuất khẩu vào thị trường EU, các mặt hàng của Việt Nam bắt buộc phải có chứng nhận xuất xứ, chứng nhận HACCP, Global GAP… là những tiêu chuẩn thuộc loại cao nhất thế giới. Đặc biệt là, đối với vấn đề an toàn thực phẩm, châu Âu quản lý rất khoa học và cập nhật liên tục các mối nguy nên doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải tích cực học hỏi và đổi mới. Về phía Nhà nước, sẽ cần sự hỗ trợ rất lớn về thông tin, truyền thông và đào tạo mới giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng kịp với phương thức quản lý hiện đại của EU.

Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam hiện rất thiếu thông tin. Sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chủ động liên lạc và tìm kiếm để nhập khẩu nguồn thực phẩm của Việt Nam, nhưng khi yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam xuất trình các chứng nhận Global GAP, HACCP, xuất xứ... thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chưa biết đến điều này.

Theo đánh giá của Công ty kiểm định, quản lý chất lượng Bureau Veritas Việt Nam, các nhà xuất khẩu tôm đang thực sự gặp khó trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và có được các loại giấy chứng nhận như EU yêu cầu. Trong khi đó, nhà nhập khẩu EU còn tiếp tục đưa thêm các tiêu chuẩn buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện, như: biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động... Vì vậy, thách thức lớn nhất hiện nay đối với tôm của Việt Nam là tình trạng nuôi nhỏ lẻ. Hiện tại, diện tích sản xuất nhỏ lẻ chiếm đại đa số (80%) nên rất khó đáp ứng được các giấy chứng nhận như EU yêu cầu. 

Tuy nhiên, tại phiên Đối thoại – “Giải pháp nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, tăng cường tính cạnh tranh của ngành Tôm Việt Nam khi tham gia EVFTA”, các đại biểu đã thống nhất nhận định: EVFTA không đáng lo lắng. Khi xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chỉ cần tuân thủ nghiêm tính minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trong thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục có những cuộc Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn để phân tích sâu hơn các vấn đề liên quan đến ngành hàng Tôm khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA (nhất là vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc một cách nhanh nhất, trung thực nhất, tạo chuỗi liên kết thực sự minh bạch cho sản phẩm thủy sản Việt Nam). Về phía các doanh nghiệp, cần có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai theo hướng phát triển bền vững, đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và cộng đồng, đảm bảo phát triển nghề cá có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Ngọc Thúy – FICen

Share: 

Tin tức khác