CHUỖI TÔM CÀ MAU NÂNG TẦM QUỐC TẾ

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, với khoảng 300.000 ha, chiếm 28% diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước; diện tích nuôi tôm trên 278.000 ha, khoảng trên 50.000 hộ nuôi nhỏ lẻ, sản lượng đạt từ 150.000-170.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt từ 1-1,3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, để Cà Mau hoàn thành mục tiêu đề ra sau 4 năm nữa đạt mốc 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo đó, thực hiện liên kết chuỗi hướng đến hội nhập toàn cầu được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp ngành tôm tỉnh Cà Mau “vươn cao và vươn xa”.

Những năm vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau, Sở NN&PTNT đã và đang thúc đẩy triển khai, tăng cường hợp tác với các dự án quốc tế, các tổ chức phi chính phủ như: SUSV, CRSD, MAM, ICAFIS, WWF, SNV, GIZ, MCD…đưa ngành tôm tỉnh Cà Mau lên một tầm cao mới, giá trị mới.

Thông qua sự phối hợp và thúc đẩy của dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm Bền vững - Công bằng tại Việt Nam (SusV)” đến nay đã có gần 40 hợp đồng liên kết chuỗi giá trị đầu vào và đầu ra được ký kết trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Các chương trình dự án nuôi theo chứng nhận quốc tế Naturland, BAP, ASC…được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho tôm Cà Mau.

Trong lộ trình đó, ngày 29 tháng 6 năm 2017, Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cùng Ban quản lý dự án “SusV” phối hợp với Sở NN&PTNT Cà Mau, WWF tại Việt Nam tổ chức “Đối thoại/Ký kết liên kết chuỗi giữa Công Ty TNHH Kinh Doanh CBTS&XNK Quốc Việt với các HTX vùng Cà Mau, nuôi tôm theo chứng nhận ASC/BAP”.

Tham dự buổi đối thoại có sự tham gia của trên 90 đại biểu của các cơ quan ban ngành, Sở NN&PTNT Cà Mau, Phòng Nông Nghiệp, UBND huyện, xã và Ban quản lý HTX/THT cùng thành viên các HTX/THT huyện Đầm Dơi. Công Ty Quốc Việt, Công ty Thanh Đoàn, Công ty Minh Cường và các công ty liên kết trong chuỗi cung ứng đầu vào có truy xuất nguồn gốc.

Trong khuân khổ của của sự hợp tác này Công ty Quốc Việt đã ký kết với hai hợp tác xã Đoàn Kết và Tân Long nuôi tôm theo chứng nhận ASC, BAP mang lại những lợi ích thiết thực cho gần 500 hộ dân nuôi tôm.

Để dự án triển khai thành công, góp phần đưa tôm Cà Mau vươn tầm Quốc tế, đại diện Công ty Quốc Việt chia sẻ và cam kết, công ty sẽ:

- Huy động và đóng góp các nguồn lực (tài chính, nhân lực) phục vụ thực hiện thành công dự án.

- Hỗ trợ nông hộ thuộc 2 HTX nuôi tôm đạt chứng nhận ASC, BAP và duy trì chứng nhận ASC, BAP trong những năm tiếp theo.

- Hỗ trợ các nông hộ trong 2 HTX trong quá trình bảo vệ môi trường, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để thực hiện dự án hiệu quả.

- Hỗ trợ cho hộ dân nuôi tôm công nghiệp tham gia Dự án là 8.000.000 đ/ha/năm (Mặt nước thả giống).

- Hỗ trợ cho hộ dân nuôi tôm quảng canh tham gia dự án là 500.000 đ/ha (mặt nước nuôi tôm)/năm.

- Sử dụng uy tín, thương hiệu của mình để quảng bá, giới thiệu thương hiệu tôm Cà Mau với khách hàng quốc tế, cung cấp thông tin, cải thiện hình ảnh ngành hàng tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung.


Bên cạnh đó Công ty Quốc Việt cũng sẽ thực hiện các nội dung về trách nhiệm xã hội (CSR), chia sẻ cộng đồng như :

- Hỗ trợ HTX triển khai quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, BAP phổ biến cho các hộ nông dân tham gia thực hiện, và giám sát quá trình thực hiện.

- Hỗ trợ các biểu bảng nhận diện ao, kho, dụng cụ cứu thương …cho bà con xã viên hai HTX.

- Cam kết thu mua sản phẩm tôm được chứng nhận ASC, BAP theo giá thỏa thuận với các Hợp tác xã đảm bảo có giá cao hơn so với tôm không chứng nhận.

- Hỗ trợ một phần kinh phí phụ cấp cho 2 cán bộ quản lý HTX và 22 tổ trưởng, tổ phó các tổ hợp tác.

Tại buổi đối thoại/ký kết các thành viên, xã viên các  HTX rất phấn khởi khi được công ty hỗ trợ chi phí trong sản xuất, qua đó giúp người nuôi hoàn thiện quy trình nuôi, sử dụng thức ăn, giống và thuốc hóa chất theo đúng quy định truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn ASC, BAP. Qua đó đại diện Ban quản lý HTX cũng cam kết tạo điều kiện và thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết nhằm nuôi tôm đảm bảo theo chứng nhận ASC, BAP và bán cho Công Ty theo đúng như thảo thuận ký kết.

Chủ trì buổi đối thoại/ký kết ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau  chia sẻ và chỉ đạo “Thực hiện liên kết chuỗi tôm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình nông thôn mới và mục tiêu của chính phủ đã giao cho ngành tôm, đưa ngành tôm tỉnh Cà Mau tham gia hội nhập. Thời gian vừa qua chúng ta đã triển khai nhiều cuộc đối thoại, tạo ra được nhiều liên kết chuỗi. Nhưng để các chuỗi này thực sự đi vào hoạt động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân thì chính quyền các cấp, các ngành cũng cần vào cuộc cùng công ty và người dân, không được để các công ty và người dân “tự bơi” mà chính quyền các cấp, kể cả cấp ấp cần chỉ đào sâu, đôn đốc sát và cùng thực hiện với người dân”.

Đồng chủ trì hội thảo ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS, điều phối dự án SusV chia sẽ “Câu chuyện con tôm và thị trường luôn là câu chuyện đầy gian chuân và thách thức. Bên cạnh việc tăng mức kiểm soát ATTP, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sản xuất nội địa  XU HƯỚNG thị trường còn tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững có trách nhiệm. Việc áp dụng và thực hiện các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, SEASAIP …sẽ góp phần giữ vững chất lượng, nâng cao thương hiệu, đưa người dân tham gia hội nhập, đưa ngành tôm Việt Nam nâng tầm quốc tế”.

Thời gian tới, Dự án SusV, ICAFIS, OXFAM tại Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy, mở rộng các liên kết hỗ trợ người dân nuôi tôm quy mô nhỏ áp dụng thực hành các chứng nhận quốc tế ASC, SEASAIP để ngày càng có thêm nhiều người dân tại Cà Mau nói riêng, người dân tại ĐBSCL nói chung có cơ hội “rút ngắn khoảng cách – tham gia hội nhập toàn cầu”.

Thế Diễn - ICAFIS

Share: 

Tin tức khác