Bàn cách "Phá băng" cho cá ngừ vằn Việt Nam

Ngày 25/10 vừa qua EU đã cảnh báo "thẻ vàng" với khai thác  thủy sản Việt Nam, do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU). Kéo theo đó hoạt động khai thác, chế biến xuất khẩu cá ngừ đang bị “ĐÓNG BĂNG TỪNG PHẦN”.

Nhằm bàn cách “PHÁ BĂNG” cho ngành cá ngừ Việt Nam và ứng phó với các xu hướng tương lai như: Chương trình Giám sát Hải sản Nhập khẩu của Mỹ (US SIMP) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; Xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm…ngày 2/12/2017 vừa qua, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam (VINATUNA) đã phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) , OXFAM tại Việt Nam tổ chức hội thảo Xây dựng Chương trình Cải thiện Nghề cá ngừ vằn tại Việt Nam”.

 

Hội thảo cũng là dịp để các Doanh nghiệp, các nhà quản lý, Nhà khoa học và các bên liên quan ngồi lại với nhau thảo luận về sự cần thiết của Chương trình FIP cho nghề khai thác cá ngừ vằn tại Việt Nam, xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung cải thiện cũng như nguồn kinh phí và lộ trình thực hiện.

Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Đại học Nha Trang, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, ngư dân và đại diện doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đến từ các tỉnh có nghề cá ngừ vằn phát triển (từ Đà Nẵng đến Kiên Giang ) như: Hải Vương; Tín Thịnh; Việt Cường; Foodtech; Nguyễn Hưng….

Tại hội thảo ông Trần Văn Hào – Đại diện VINATUNA chia sẻ “nghề khai thác cá ngừ đã phát triển tại Việt Nam từ những năm 1990, đến nay đã có khoảng 3.500 tàu (chiếm 14% đội tàu khai thác xa bờ), cá ngừ là một trong 4 sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đứng thứ 10 thế giới sau Thái Lan, Tây Ban Nha, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines…. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ năm 2016 ước đạt 510 triệu USD trong đó nhóm các sản phẩm từ cá ngừ vằn chiếm khoảng 44,2 % tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Tuy nhiên cá ngừ vằn lại chưa có nhiều chương trình, chính sách quan tâm tới”.

Ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc ICAFIS chia sẻ “chúng ta bị thẻ vàng ở thị trường Châu Âu điều đó cũng ảnh hưởng lớn tới hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm khai thác thủy sản Việt Nam bởi hầu hết các nước trên thế giới đã cam kết vào lộ trình phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại (hình thức ghi chép trên giấy) sẽ khó để chúng ta chứng minh nguồn gốc một cách cặn kẽ nhất, chưa hỗ trợ được theo dõi hành trình (VMS)…hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử có thể hỗ trợ chúng ta khắc phục những hạn chế trên, bên cạnh đó với công nghệ tiên tiến trong truy xét thông tin một cách nhanh nhất như sử dụng QA code, chip điện tử RFID…sẽ giúp tạo tin tưởng đối với khách hàng, nâng cao uy tín, hình ảnh cho nhà sản xuất”.

Tại hội thảo, Ban tổ chức và đại diện các bên đã thống nhất được một số điểm QUAN TRỌNG như:

Tên chương trình: Chương trình Cải thiện nghề khai thác cá ngừ vằn tại Việt Nam/ Vietnam Skipjack Fisheries Improvement Project

Tên viết tắt: Vietnam SKJ FIP

Mục tiêu: Xây dựng các hoạt động cải thiện nghề khai thác cá ngừ vằn hướng tới chứng nhận MSC

Đối tượng: Đối tượng chính là cá ngừ vằn và các loài khai thác thứ cấp khác

Phạm vi áp dụng - Dự kiến các tỉnh có nghề khai thác cá ngừ phát triển: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Tiền Giang, Quảng Nam, Kiên Giang

Nghề khai thác: chọn nghề lưới Vây là nghề chính

Ngư trường: FAO71

Thời gian: Dự kiến 3-5 năm, bắt đầu từ 2018

Đơn vị điều phối:VINATUNA + ICAFIS

Đơn vị phối hợp:D-FISH, Vinafis, WWF, DARDs, RIMF, NTU....

Thành viên:Doanh nghiệp CBXK cá ngừ vằn - FIP Members; Các tàu khai thác cá ngừ vằn

Đối tác:các nhà thu mua / nhập khẩu quốc tế - FIP Partners

Kết thúc hội thảo đại diện các bên và các doanh nghiệp đã THỐNG NHẤT được một số nội dung quan trọng nói trên và ĐỒNG Ý ĐÓNG GÓP KINH PHÍ cho chương trình FIP cá ngừ vằn. Mong muốn VINATUNA, ICAFIS thúc đẩy thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ và huy động sự tham gia của các bên để chương trình FIP sớm đi vào chiển khai giúp PHÁ BĂNG - NÂNG CAO HÌNH ẢNH – TỪNG BƯỚC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU cho cá ngừ vằn Việt Nam.

Xuân Lập - ICAFIS

Share: 

Tin tức khác