Bạc Liêu: Liên kết nuôi tôm được hỗ trợ tìm vốn vay

(TBKTSG Online) –  Lâu nay, một trong những khó khăn của người nuôi tôm ở các tỉnh thành, trong đó có Bạc Liêu là không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng đầu tư vụ tôm mới. Nay, chỉ cần người nuôi tôm có liên kết với doanh nghiệp nuôi tôm theo hướng bền vững thì sẽ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay.

Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), lâu nay nguồn vốn luôn là thách thức của người nuôi tôm. Nghề nuôi tôm ở Việt Nam phát triển trong hơn 20 năm qua nhưng câu chuyện thiếu vốn cho nuôi tôm luôn là vấn đề thời sự trước mỗi vụ thả nuôi mới.

Chính vì thế, ICAFIS đã phát triển dự án "Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam" và thông qua đây thúc đẩy tín dụng cho chuỗi tôm. Sau nhiều nỗ lực của các bên liện quan, ngày 14-8, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có Thông báo 115/TB-UBND chỉ đạo việc triển khai cho vay theo chuỗi và bước đầu sẽ thử nghiệm ở 3 công ty trên địa bàn của tỉnh.

Công ty tôm miền Nam, Âu Vững và Thiên Phú là 3 công ty đang có liên kết với các hợp tác xã nuôi tôm ở Bạc Liêu. Với thông báo trên, ông Lập cho biết, vấn đề còn lại là làm sao để tạo ra được chuỗi liên kết theo hướng sản xuất bền vững giữa người nuôi tôm, doanh nghiệp, còn nguồn vốn vay lúc này không còn là trở ngại cho các bên.

Theo ICAFIS, nhu cầu vốn cho nuôi tôm của người dân rất lớn, không chỉ có nông dân và doanh nghiệp ở Bạc Liêu mới cần mà hầu như tỉnh thành nào có nuôi tôm đều trong tình trạng cần vốn. Vì thế, ICAFIS cũng đang có kế hoạch làm việc với các địa phương có thế mạnh về nuôi tôm để nông dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng.

Ông Lập cho biết, thời gian tới, ICAFIS sẽ làm việc với các địa phương có thế mạnh về nuôi tôm như Cà Mau, Sóc Trăng… để những địa phương này sớm có những hỗ trợ cho người nuôi tôm như cách Bạc Liêu đang làm.

Hiện giá tôm thẻ chân trắng được các đại lý chào mua trong tuần này ở Bạc Liêu đối với loại 40 con/kg là 205.000 đồng, loại 50 con/kg là 185.000 đồng, cao hơn mấy ngàn đồng so với tuần trước. Không chỉ ở Bạc Liêu, giá tôm ở một số tỉnh thuộc ở khu vực ĐBSCL như Cà Mau, Sóc Trăng… cũng có dấu hiệu tăng thêm 2.000 -3.000 đồng/kg so với tuần trước.

Chính vì giá tôm nguyên liệu tăng mạnh và giữ ở mức cao trong thời gian qua nên người dân đang mở rộng diện tích nuôi tôm. Điều đáng nói là có hiện tượng người dân dẫn nước mặn (nước biển) vào các vùng nuôi thủy sản nước ngọt, ruộng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng nhiều. Điều này khiến cơ quan quản lý phải có công văn gửi các tỉnh thành để kiểm soát tình hình.

Nhằm tránh việc không kiểm soát được người dân nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, ngày 16-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Công văn số 6825/BNN-TCTS gửi các địa phương khu vực phía Nam, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp cảnh báo tình trạng người dân tự ý đưa tôm nước lợ - chủ yếu là tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt, vùng đất trồng lúa và ngoài quy hoạch.

Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt không tiếp tục thả nuôi trong vụ sau, và không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới.

Ngọc Hùng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

Share: 

Tin tức khác