Hợp tác xã cần thay đổi để được vay vốn

(TBKTSG Online) - Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết năm 2016, cả nước có gần 11.000 hợp tác xã nông nghiệp và chỉ có khoảng hơn 3% trong số này tiếp cận được nguồn vốn vay, trong khi nhu cầu thực tế là khoảng 60%.

Tuần qua, Ban quản lý dự án SusV đã tổ chức khóa tập huấn có chủ đề “Huy động và quản lý nguồn vốn cho hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm tại ĐBSCL. Nhân sự kiện này TBKTSG Online đã trao đổi qua thư điện tử với ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Trung tâm ICAFIS), về những vấn đề liên quan đến huy động vốn cho hợp tác xã, tổ hợp tác.

TBKTSG Online: Gần đây, Trung Tâm ICAFIS đã tổ chức khóa tập huấn về huy động và quản lý nguồn vốn cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

- Ông Đinh Xuân Lập: Theo nghiên cứu của Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất  tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam (SusV), trong năm 2016, trên địa bàn ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau hiện có 316 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản và thực trạng chung là các hợp tác xã, tổ hợp tác này chưa hoạt động hiệu quả. Một trong những lý do là thiếu vốn trong sản xuất và năng lực quản lý tài chính của các hợp tác xã chưa thực sự tốt.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc tiếp cận vốn của người nuôi tôm quy mô nhỏ chưa bao giờ dễ dàng. Bằng chứng là tại 3 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này, tỷ lệ tiếp cận và được vốn vay ưu đãi của Chính phủ mới chỉ chiếm 3,6%.

Những khó khăn của các hợp tác xã, tổ hợp tác xã liên quan đến nguồn nhân lực, nguồn vốn vì đa phần chưa có nhiều kinh nghiệm hay kiến thức về quản lý, kế toán. Vậy, làm thế nào để giúp họ tiếp cận và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả?

- Đây là một trong những vấn đề của các hợp tác xã/tổ hợp tác hiện nay. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong năm 2016, đội ngũ cán bộ Ban điều hành, lãnh đạo hợp tác xã có trình độ trung cấp trở lên chỉ chiếm 7,4%; thủ quỹ, kế toán của hợp tác xã/tổ hợp tác có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chỉ chiếm 4,5%. Vì thế, nếu nhìn vào những con số thống kê này, chúng ta dễ dàng hiểu rằng, rất khó để bên cho vay có thể trao cho họ một số vốn vay và làm sao sử dụng hiệu quả của nguồn vốn cũng là một câu hỏi khó đối với bối cảnh hiện nay.

Từ khảo sát, ông có đề xuất gì giúp thay đổi điều này?

- Theo tôi, để các Ban điều hành có được kiến thức, kỹ năng thì nhà nước cần tạo điều kiện cho họ tham gia những khóa tập huấn chuyên nghiệp và chuyên sâu. Bên cạnh đó, cần tổ chức cho họ đi học hỏi những mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả.

Hiện một số địa phương đã áp dụng giải pháp “thuê giám đốc” cho hợp tác xã/tổ hợp tác. Theo cá nhân tôi, cách này sẽ giúp hợp tác xã, tổ hợp tác có được người đủ kiến thức, kỹ năng để quản lý. Đối với đội ngũ kế toán, với hiện trạng về trình độ, năng lực như đề cập ở trên, một trong những hướng giải quyết là để họ đi học thêm chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, cho đội ngũ kế toán hiện tại của hợp tác xã, tổ hợp tác đi đào tạo chuyên môn và chuyên sâu sẽ rất mất thời gian, có thể không được hiệu quả như mong muốn (vì họ có thể tìm kiếm công việc khác có mức lương cao hơn).

Vì thế, tôi cho rằng nên chọn phương án “thuê” là hiệu quả và tiết kiệm nhất và tùy theo quy mô, yêu cầu của từng hợp tác xã/tổ hợp tác mà có hình thức thuê cho phù hợp.

Trung tâm ICAFIS đã hỗ trợ được bao nhiêu hợp tác xã, tổ hợp tác giải quyết bài toán huy động, quản lý nguồn vốn và hoạt động hiệu quả?

- Hiện tại, trong khuôn khổ dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam (SusV)” chúng tôi tập trung hỗ trợ cho Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Chúng tôi đã và đang giúp cho gần 40 hợp tác xã, tổ hợp tác tại 3 tỉnh này để xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất tôm, nâng cao tiếng nói người nuôi quy mô nhỏ trong chuỗi với mục đích đặt ra là giúp người sản xuất, chế biến tôm quy mô nhỏ tại ĐBSCL có thể tiếp cận, quản lý hiệu quả nguồn tài chính và cải thiện hiệu quả sản xuất. Tiếp đến là giúp cải tiến công nghệ, thay đổi thói quen, phương thức sản xuất hướng tới thực hành tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Về lâu dài, chúng tôi đang trong quá trình tìm kiếm thêm nguồn lực để có thêm nguồn tài trợ dự án, mở rộng thêm các địa phương để thêm nhiều doanh nghiệp, người nuôi có được cơ hội nâng cao năng lực cùng tham gia hội nhập toàn cầu.

Tóm lại, để hợp tác xã, tổ hợp tá có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, bắt buộc họ phải thay đổi từ bên trong để tạo sự tin tưởng từ ngân hàng, các tổ chức tài chính.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hùng thực hiện - TBKTSG Online

Share: 

Tin tức khác