Việc đấu tranh xác định hành vi xả thải làm ô nhiễm môi trường của Formosa Hà Tĩnh thể hiện thái độ rất cương quyết của Chính phủ Việt Nam
Formosa hết đường chối cãi
Trước gần 400 phóng viên trong và ngoài nước cùng lãnh đạo, cán bộ các bộ, ngành, ông Mai Tiến Dũng khẳng định những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa Hà Tĩnh) là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh nêu trên.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (bìa phải) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi họp báo Ảnh: HẢI Ý
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, để xác định nguyên nhân cá chết, các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 xác định nguyên nhân vụ việc đang diễn ra trên biển miền Trung, cơ chế gì khiến hải sản chết hàng loạt. Nhóm 2 xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Hai nhóm này độc lập nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nhóm 1 gồm hơn 100 nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực lấy mẫu nước, mẫu sinh vật phù du. Từ hàng ngàn phân tích thí nghiệm khác nhau; xác định hình ảnh vệ tinh khi bắt đầu diễn biến sự việc, hồi tố các sự việc từ trước khi phát hiện ô nhiễm… Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh chứa độc tố như phenol, xyanua kết hợp với hydroxit sắt tạo thành một dạng phức hỗn hợp có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển với hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đây là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Bản thân các hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy nên đi đến đâu trên biển thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết.
Sau đó, nhóm công tác đã rà soát hàng trăm cơ sở dọc miền Trung và đã tập trung vào 3 đối tượng: Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, các KCN Hà Tĩnh. Quá trình kiểm tra đã hồi tố, thực hiện các phương pháp kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, phát hiện ra nhiều sai sót.
Qua kiểm toán năng lượng cho thấy trong 5 ngày, lượng năng lượng nhà máy Formosa sử dụng sụt giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày thường. Hàng loạt vấn đề trong thiết kế, đầu tư xây dựng còn lỏng lẻo cho tới hệ thống vận hành chất thải, đầu ra của chất thải không bảo đảm yêu cầu, từ đó xác định chỉ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh phát thải phenol và xyanua.
“Đã có đủ bằng chứng thuyết phục lò luyện cốc Formosa và nhà đầu tư này phải thừa nhận quá trình vận hành thử nghiệm đã dẫn đến nước thải xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép” - ông Hà nhấn mạnh.
Chưa khởi tố hình sự Formosa
Tại buổi họp báo, cơ quan chức năng đã công bố video clip cảnh ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch HĐQT Formosa Hà Tĩnh và ban lãnh đạo nhận trách nhiệm, cúi đầu xin lỗi. Ông Trần Nguyên Thành khẳng định: Sự cố đã xảy ra trong nhà máy là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Công ty xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh.
Ông Trần Nguyên Thành cam kết thực hiện 5 điểm. Thứ nhất, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
Thứ hai, thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung với tổng số tiền trên 11.500 tỉ đồng (tương đương 500 triệu USD).
Thứ ba, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, không để tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.
Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung; bảo đảm phòng chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường.
Thứ năm, thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho hay Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại, như: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững, triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường…
Về căn cứ nào để đưa ra mức bồi thường 500 triệu USD, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà lý giải: “Tập đoàn Formosa có cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản. Phải nói số đền bù chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp. Còn thiệt hại thì lớn hơn nhiều như tổn thương tâm lý, sức khỏe, các hệ lụy khác. Ví dụ, thiệt hại ở Minamata - Nhật Bản do một công ty Nhật xả thải gây ra, các bạn nghĩ là bao nhiêu, vẫn chưa tính được”.
Trả lời báo chí về việc cơ quan bảo vệ pháp luật có khởi tố vụ án hình sự để điều tra hay không, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ là xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Tuy nhiên, Fomosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi và đưa ra 5 cam kết về trách nhiệm bồi thường, không tái diễn vụ việc tương tự.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày, Chính phủ đã khẳng định: Các cán bộ liên quan đến sự cố này, dù ở cấp nào cũng sẽ phải chịu trách nhiệm tương xứng với sai phạm.
Lỗ hổng trong giám sát chất thải ra môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn nhìn nhận quy định hiện hành đối với hoạt động nguồn thải nước chưa sát với tình hình và chưa tiên lượng được các nguồn thải của Formosa. Ngoài ra, thực tế mới giám sát trên giai đoạn thử nên ở khâu vận hành, chưa có cơ quan nào vào giám sát. Về hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá. Hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số, còn các nguyên tố đặc biệt như phenol, xyanua và sắt không quan trắc được. Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng đã có lỗ hổng nên không có sự giám sát của trung ương cũng như địa phương trong quá trình lắp đặt, thử nghiệm.
Về việc Formosa đã có rất nhiều “tiền án” gây ra đối với môi trường tại một số nước mà vẫn lọt vào Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định ngay thời điểm đóng góp ý kiến thẩm định cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án, bộ đã có cảnh báo. Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận vụ việc Formosa là điều đáng tiếc và các cơ quan của nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học.
“Chúng ta không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài” - ông Đông quả quyết.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh thừa nhận vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục xử lý những cá nhân giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thiện” - ông Vinh nói.
Ý KIẾN
Ông NGUYỄN TỬ CƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản:
Cần tổng điều tra về tài nguyên bị hủy hoại
Phenol, xyanua... là những chất cực độc và bền hóa học nên sẽ “lang thang” trong môi trường biển Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng cần có tổng điều tra tài nguyên sống bị hủy hoại và yêu cầu phải bồi thường để phục hồi vùng tài nguyên môi trường này.
Ngoài ra, cần có những đánh giá, nghiên cứu, phân tích một cách khoa học, thận trọng để xác định chính xác thời gian nào có thể nuôi cá trở lại cũng như khoảng thời gian nào cá tự nhiên ở ngoài biển có thể vào vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế để sinh sống.
Ông LÊ THANH LỰU, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế và Thông tin - Hội Nghề cá Việt Nam:
Nhanh chóng tái tạo môi trường biển
Về lâu dài, phải nghiêm túc nghiên cứu cách tái tạo môi trường để người dân tiếp tục mưu sinh được trên các vùng biển đó. Ngoài ra, trong lúc chờ môi trường tái tạo thì các cơ quan chức năng, địa phương cần kiếm công việc phụ cho người dân làm để bảo đảm cuộc sống, có thể một bộ phận nào đấy phải được tạo điều kiện chuyển sang công việc mới.
Việc tái tạo hệ sinh thái biển cần rất nhiều thời gian, thậm chí có những nơi 60-70 năm còn chưa chắc đã tái tạo được. Nhiều nơi tái tạo được nhanh hơn nhưng phải chắc chắn không được lặp lại sự cố ô nhiễm ở bất cứ mức độ nào nữa. Hơn nữa, thực hiện tái tạo môi trường phải làm đồng bộ, bao gồm cá, ốc, san hô… chứ không riêng một loài nào. Đặc biệt là cá ở tầng đáy nước hiện bị xâm hại nặng nề do ô nhiễm nên cần có giải pháp. Muốn làm, phải giao nhiệm vụ cụ thể cùng với kinh phí khắc phục cho từng địa chỉ, không thể nói chung chung.
GS-TS Nguyễn Lân Dũng:
Bài học đắt giá
Tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc công bố nguyên nhân cá chết, đồng thời sự đồng ý đền bù đến 500 triệu USD của nhà máy gây ra độc hại là đáp ứng được yêu cầu của người dân. Nhiều người sốt ruột về sự chậm trễ của Chính phủ nhưng với tư cách là một nhà sinh học, tôi rất thông cảm với những khó khăn của Chính phủ và các nhà khoa học đối với việc xác định chính xác nguyên nhân gây cá chết.
Tuy nhiên, chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm qua sự cố này. Chúng ta có lường trước được hay không những tác hại có thể xảy ra khi không thường xuyên kiểm tra mọi nguồn nước thải trước khi cho thải xuống đáy biển? Chúng ta đã duyệt quy trình xử lý nước thải và quy trình súc rửa đường ống chưa? Chúng ta có biết hay không một số lượng lớn hóa chất được nhập về gần đây và liệu đã dùng hết bao nhiêu để phục vụ cho việc súc rửa đường ống?
Chúng ta cần coi đây là một bài học để hạn chế đến mức cao nhất những việc có thể xảy ra trong tương lai, không chỉ với các cơ sở sản xuất ven biển, ven sông mà cả các nhà máy trong đất liền trong khả năng gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nhà máy có nguồn chất thải là chất hữu cơ như các nhà máy sản xuất đường, sản xuất giấy, sản xuất thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm…
Thùy Dương ghi
Giám sát an toàn nước biển, thủy sản
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về mức độ an toàn của nước biển, hải sản ở các tỉnh miền Trung và khuyến cáo gì về mức độ an toàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc xét nghiệm hải sản sống được tiến hành hằng ngày để cung cấp thông tin cho người dân và các nhà khoa học. Tất cả xét nghiệm đã được công bố rất minh bạch. “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thực hiện các giám sát sức khỏe với người dân tại 4 tỉnh này”- ông Long nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám, bộ đã chỉ đạo lấy mẫu giám sát và xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ. Tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 5-2016 đã khoanh vùng ảnh hưởng, tính từ bờ ra xa là 20 hải lý. Đối với vùng ngoài 20 hải lý là an toàn. Các sản phẩm khai thác về được chứng nhận an toàn ngay tại bến cảng. “Để yên tâm, cơ quan của Bộ NN-PTNT lấy mẫu 2-3 ngày một lần và nếu phát hiện thì sẽ xử lý. Hiện các cơ quan này vẫn lấy mẫu hằng ngày, liên tục cử người vào để giám sát chất lượng nước” - ông Tám trấn an.
Không lợi dụng vụ cá chết để kích động chống phá
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhìn nhận dư luận trên mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng về sự chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết và bày tỏ bức xúc là điều chính đáng, dễ hiểu. “Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận việc lợi dụng sự bức xúc đó để kích động chống phá. Tôi khẳng định việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố nghiêm trọng này là kịp thời” - ông Tuấn nói.